Đa phần những chiếc máy pha Espresso công nghệ cao chúng ta thấy ngày nay thường có những chức năng để tạo ra quá trình pre-infusion. Vậy thì pre-infusion là gì?
Để hiểu rõ hơn, chúng ta thử đối chiếu espresso sang một phương pháp pha chế khác, đó là pha thủ công. Đối với phương pháp pha thủ công, ta có thể dễ dàng điều chỉnh lượng nước tùy ý và tốc độ chảy của chúng. Thông thường, một lượng nước nhỏ thường được rót vào khoảng thời gian bắt đầu pha, được gọi là Blooming. Mục đích của hành động này là để giúp cà phê được ướt đều nhanh chóng và nhả bớt khí CO2 ra bên ngoài, tạo sự ổn định cho quá trình chiết xuất về sau.
Tương tự như vậy, quá trình pre-infusion trong pha chế Espresso được tạo ra nhằm giúp cà phê được ngấm đều nước trước khi chúng phải chịu áp lực tối đa từ máy pha. Thông thường, một chiếc máy pha espresso sẽ được cài đặt áp suất tối đa cho chúng đâu đó trong khoảng 9 bar. Khi người pha chế ấn nút, sẽ có một khoảng thời gian nhỏ để áp suất tăng từ 0 lên 9 bar. Nếu như máy pha cà phê đạt đến áp suất tối đa trước khi toàn bộ bánh cà phê được làm ướt, lượng lớn khí Co2 sẽ được giải phóng trong giai đoạn sau và ảnh hưởng đáng kể đến sự ổn định trong chiết xuất. Bánh cà phê càng dày và chặt thì nước ở giai đoạn đầu càng mất nhiều thời gian để ngấm qua hơn. Đối với nhưng chiếc máy pha có thể điều chỉnh được áp suất và lượng nước trong giai đoạn Pre-infusion thì công việc của các bạn Barista sẽ vô cùng thú vị khi cần tìm ra công thức cân bằng giữa áp suất, lượng nước và bánh cà phê. Còn đối với những chiếc máy không có chức năng này, cỡ xay và lượng cà phê đầu vào là 2 yếu tố mà người pha espresso cần phải thực sự tập trung nếu muốn tạo ra những ly espresso ngon và ổn định hơn.
Nếu bạn muốn biết thêm về kiến thức Barista và Brewing, tại HQJ Coffee School luôn có lớp Barista Career. Các bạn có thể xem các khóa học tại đây.
Comments